Bối cảnh Hậu_Tam_Quốc

Trong thế kỷ 9 và 10, Tân La Thống nhất đã bị rung chuyển bởi các vấn đề phát sinh từ sự lệ thuộc vào "chế độ cốt phẩm", một hệ thống tầng lớp cứng nhắc mà theo đó chỉ có những người xuất thân quý tộc mới có thể được bổ nhiệm vào vị trí cấp cao. Hệ thống này đã bị lạm dụng như là một phương tiện để giúp hoàng tộc chiếm ưu thế chính trị và điều này đã gây nên nhiều bất ổn trong giai đoạn sau của Tân La. Tầng lớp quý tộc địa phương được gọi là hojok (hangul:호족, hanja: 豪族, "hào tộc"), tức là quý tộc cấp thôn hay lý trưởng, đã tăng cường quyền thế của mình trong thời kỳ này bằng cách tập hợp tư binh.[2] Bất đồng được đào sâu thêm trong tầng lớp quý tộc sau cái chết của Huệ Cung Vương (Hyegong) khi diễn ra cuộc tranh đua kế vị ngai vàng và tranh giành quyền lực liên miên giữa các hào tộc. Không chỉ có bầu không khí chính trị nằm trong tình trạng hỗn độn, tài chính quốc gia của Tân La cũng rất thảm hại. Sưu thuế khó khăn mà lại không có sự phối hợp của quý tộc. Như một kết quả tất yếu, gánh nặng thuế lại đè lên vai người nông dân, dẫn đến cuộc nổi dậy năm 889, tức năm thứ 3 Chân Thánh nữ vương trị vì. Nhiều cuộc khởi nghĩa và nổi dậy đã xảy ra trong 100 năm sau.[1]